Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), với tỷ lệ 89,16% đại biểu tham gia tán thành. Theo đó, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế sẽ tăng từ 4 triệu đồng/tháng như hiệ nay lên 9 triệu đồng/tháng ( tương đương 108 triệu đồng/năm); đồng thời mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc cũng được tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá tiêu dùng để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Những mức điều chỉnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu tại tổ và tại hội trường về dự thảo luật trước đó, ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết: Đa số ý kiến tán thành với quy định trên. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc nâng mức GTGC như quy định của Dự thảo luật là chưa hợp lý, đưa thuế TNCN trở thành thuế thu nhập cao, thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế; tác động đến nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước; không bảo đảm mục tiêu điều tiết thu nhập; không bảo đảm công bằng xã hội. Vì vậy, đề nghị giữ mức GTGC hiện hành hoặc quy định mức thấp hơn mức Chính phủ trình. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc nâng mức GTGC có làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN), thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm thay đổi một số mục tiêu ban đầu của việc ban hành Luật. Trong bối cảnh nguồn thu NSNN hiện nay, cơ bản chỉ đủ bảo đảm nhu cầu chi thường xuyên; chi trả nợ, tích lũy đầu tư còn thấp thì việc giảm thuế sẽ làm giảm thu NSNN, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lực bảo đảm chi an sinh xã hội, chi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì mục tiêu ban đầu của Luật thuế TNCN là khó khăn; đến khi nền kinh tế đất nước phát triển, thu nhập người dân được cải thiện sẽ thực hiện đầy đủ mục tiêu của Luật. Mặt khác, việc điều chỉnh mức GTGC là nhằm chia sẻ khó khăn, động viên, hỗ trợ người hưởng lương có thêm thu nhập, góp phần kích cầu tiêu dùng. Đó chính là lý do khiến các nhà làm luật xin các vị đại biểu Quốc hội cho giữ mức GTGC như quy định của Dự thảo luật. Về ý kiến đề nghị quy định mức GTGC cho người nộp thuế bị khuyết tật và người phụ thuộc mắc bệnh nan y cao hơn mức quy định của Dự thảo luật. UBTVQH giải trình như sau: Điều 5 của Luật hiện hành đã quy định về các trường hợp được xem xét giảm thuế . Theo đó, người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn, bệnh hiểm nghèo,... ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì thuộc diện được xem xét, giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại. Vì vậy, xin không bổ sung nội dung này vào Dự thảo luật. Về quy định mức GTGC theo tỷ lệ % hoặc theo mức lương tối thiểu, UBTVQH cho rằng, một trong những nguyên tắc tính thuế là đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ kiểm tra. Việc quy định mức GTGC theo giá trị tuyệt đối đáp ứng nguyên tắc trên, bảo đảm tính ổn định tương đối trong áp dụng. Mặt khác, trong hệ thống bảng lương của Việt Nam hiện đang áp dụng 2 mức lương tối thiểu, tương ứng với 2 nhóm đối tượng (lương tối thiểu cho khối hành chính sự nghiệp, lương tối thiểu cho khối doanh nghiệp). Vì vậy, “sẽ là phức tạp nếu quy định mức GTGC theo tỷ lệ % của mức lương tối thiểu. Ngoài ra, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người đã là một trong những căn cứ để xác định mức GTGC. Mặt khác, Dự thảo luật đã quy định khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20% thì điều chỉnh mức GTGC. Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định, thuận tiện trong tổ chức thực hiện, xin cho giữ như quy định của Dự thảo luật”, ông Hiểu nói. Còn về quy định mức GTGC theo vùng, miền, UBTVQH nhận thấy, căn cứ để xác định mức GTGC như quy định của Dự thảo luật là dựa trên các tiêu chí: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, chỉ số CPI, mức lương tối thiểu... và những tiêu chí này là chỉ tiêu tổng hợp, khách quan, công bằng. Do đó, việc quy định mức GTGC theo vùng, miền là khó khả thi. Còn về điều chỉnh mức GTGC khi giá cả biến động, có ý kiến đề nghị: Cần điều chỉnh mức GTGC khi CPI tăng từ 10-15% và Giao Chính phủ điều chỉnh mức GTGC. Ý kiến khác đề nghị Quốc hội quyết định nội dung này. Về vấn đề này, theo UBTVQH, trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động, nếu điều chỉnh mức GTGC khi chỉ số CPI tăng thấp sẽ dẫn đến thường xuyên phải thay đổi mức GTGC, ảnh hưởng tới tính ổn định của Luật, gây khó khăn cho cân đối NSNN. Vì vậy, xin các vị ĐBQH cho giữ như quy định của Dự thảo luật. Về đề nghị giao Chính phủ hoặc Quốc hội có thẩm quyền điều chỉnh mức GTGC khi CPI biến động trên 20%, UBTVQH nhận thấy, việc giao UBTVQH điều chỉnh mức GTGC là phù hợp với quy định của Luật tổ chức Quốc hội, các luật khác có liên quan và bảo đảm tính linh hoạt trong áp dụng. Vì vậy, xin cho giữ quy định về thẩm quyền điều chỉnh mức GTGC. Đồng thời, để quy định cụ thể hơn về thời điểm điều chỉnh, áp dụng mức GTGC, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH xin bổ sung quy định về thời điểm áp dụng là: “kỳ tính thuế tiếp theo”. Nói về thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, ông Phùng Quốc Hiển cho hay, đa số ý kiến nhất trí với quy định về thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là 1/7/2013. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Luật có hiệu lực từ 01/01/2013. UBTVQH nhận thấy, trong bối cảnh khai thác nguồn thu còn khó khăn, nếu áp dụng Luật từ 01/01/2013 sẽ giảm thu NSNN thêm khoảng 6.000 tỷ đồng so với phương án áp dụng Luật từ 01/7/2013. Mặt khác, Quốc hội đã thông qua Dự toán NSNN năm 2013. Trong trường hợp giảm thu thêm sẽ không có nguồn bù đắp. Vì vậy, xin được giữ quy định về thời điểm Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013. Nguồn tin: Dân Trí Ngày: 20/11/2012
Trang: 1
Bài viết khác
|
|